Bếp từ - Bếp gas

Google+
Chọn bộ nồi nào cho nhà bếp?

Chọn bộ nồi nào cho nhà bếp?

“Nên mua bộ nồi hợp kim, nhẹ như nhôm, bền và chắc hơn inox, có thể xài cả đời”. Anh Tùng, chủ cửa hàng gia dụng ở gần chợ Kim Biên thuyết phục khách “nên mua bộ nồi hợp kim, nhẹ như nhôm, bền và chắc hơn inox, có thể xài cả đời”. Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart cho biết, bộ nồi hợp kim đang là sản phẩm cao cấp “thời thượng” dành cho khách mua hàng không ngại giá mắc.

Hot!

  Ưu điểm của bộ nồi hợp kim

 

Theo tư vấn của bộ phận kỹ thuật công ty chuyên sản xuất hàng gia dụng Happy Cook, bộ nồi hợp kim (còn có tên gọi là Hard Anodized) là hỗn hợp kim loại, chính là nhôm với kẽm, đồng, titan… Qua quá trình điện phân tạo cho sản phẩm nhôm có màu sẫm và cứng hơn inox mà vẫn nhẹ. Vì vậy, so với các bộ nồi bằng thuỷ tinh, inox, nhôm…; bộ nồi hợp kim tiện lợi hơn với các ưu điểm: nhẹ, bền, không vỡ, dẫn nhiệt đều, không bị bong xước bề mặt, không sợ kim loại thôi nhiễm vào thức ăn…
 
Theo bà Hạnh Thu, do giá mắc, nên bộ nồi hợp kim chưa được người tiêu dùng mua nhiều, chiếm chưa đến 10% trong tổng số các bộ nồi bán ra ở hệ thống Co.opmart. Ghi nhận từ các chợ, siêu thị, cửa hàng, bộ nồi nhôm đã qua xử lý bề mặt đang là sản phẩm được bán nhiều nhất, chiếm hơn 50% tổng lượng hàng bán ra, do giá rẻ (khoảng 120.000 – 350.000 đồng/bộ). Do thói quen người Việt thường chuộng sản phẩm nhôm vừa nhẹ, vừa toả nhiệt đều và sản phẩm nhôm thế hệ mới đảm bảo không có hiện tượng ra teng.
 
 

Sử dụng và bảo quản sản phẩm bền lâu

– Không đun nấu, hoặc chứa thức ăn mặn, thức ăn chua trong nồi quá 12 tiếng (dù là nồi inox hay hợp kim cũng vậy).

Sản phẩm mặn hoặc chua chỉ nên cất trữ trong thố bằng sành sứ, thuỷ tinh.

– Không để nồi chảo không chứa thức ăn quá nóng trên bếp.

– Sau khi dùng cần rửa ngay, không nên để thức ăn đọng lại dưới đáy nồi qua đêm.

– Chỉ dùng vải mềm để rửa sạch, tránh dùng búi nhôm, hoặc vật dụng cứng chà rửa nồi.

Ông Huỳnh Thanh Hải, chủ doanh nghiệp sản xuất nhôm Kim Cương cho biết: “dòng sản phẩm nhôm hiện nay đều dùng công nghệ anodized –công nghệ xi dương cực, phủ lên bề mặt nhôm lớp màng kim loại có độ rắn chắc hơn, tác dụng chống tác dụng oxy hoá, chống hiện tượng ra ten ở nhôm giúp bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng”.

Bộ phận kỹ thuật của công ty Happy Cook phân tích: sản phẩm nhôm xử lý bề mặt còn gọi là Soft Anodized, dùng công nghệ điện phân để tạo lớp tráng phủ bên ngoài có độ cứng như hợp kim Hard Anodized. Tuy nhiên, vì chỉ là lớp áo phủ, nên sau khoảng thời gian từ 12 – 24 tháng trở lên (tuỳ theo cách xài và bảo quản), lớp áo này có thể mỏng và tróc dần, khi đó vấn đề an toàn cho sức khoẻ cần xem lại.

Nên xài loại nào?

Bộ nồi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam hiện có khoảng 30 nhãn hiệu, chủ yếu từ châu Âu như Berghoff, Fissler, Schwerter, Giaretty, Genthainer… hoặc từ Hàn Quốc như Dongil, Inox Kinel, Lion Spot… và một số khác từ Mỹ như T-fal, từ Thái Lan như Seagull… Hàng sản xuất trong nước bày bán nhiều trong các siêu thị, cửa hàng là sản phẩm của Happy Cook, Sunhouse, Kim Hằng, Kim Cương, Hữu Tài…

Bà Phương Thảo, chủ hệ thống phân phối đồ dùng nhà bếp Q-Home nói: “những bà nội trợ có kinh nghiệm vẫn chuộng dùng các bộ nồi inox ba đáy, vì sản phẩm này bền, ba lớp đáy giúp khắc phục nhược điểm toả nhiệt không đều của inox, an toàn cho sức khoẻ và giá rẻ hơn các bộ nồi hợp kim khoảng 30%”. Và inox ba đáy có lớp giữa bằng nhôm để dẫn nhiệt đều.

Nhiều loại nồi chảo tráng phủ lớp chống dính nấu ăn rất tiện, nhưng khi xài phải thật cẩn trọng vì nếu lớp phủ này bị xước, bong tróc sẽ không tốt cho sức khoẻ.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, giám đốc điều hành Happy Cook, dựa trên số liệu bộ nồi được bán ra từ năm ngoái đến nay cho biết: “Tỷ lệ người mua sản phẩm inox chiếm 50%, hợp kim chỉ khoảng 15 – 20%, còn lại là sản phẩm có tráng phủ chất chống dính”. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của bà nội trợ am hiểu về dụng cụ nấu nướng, bà Lệ Hằng cho rằng: “hợp kim là mốt mới nhất nhưng giá mắc, quá trình điện phân Hard Anodized hoặc Soft Anoddized đều có dùng đến hoá chất, nên xài inox vẫn an toàn và tiết kiệm hơn”.

Theo một số nhà sản xuất, trên thị trường hiện nay có nhiều bộ nồi inox, bộ nồi nhôm hoặc chảo chống dính, giá khá rẻ, mua sản phẩm loại này độ bền kém mà lại không an toàn cho sức khoẻ. Cụ thể bộ nồi inox giá dưới 100.000 đồng, có thể dùng loại inox 201, khi đun nóng trên bếp đáy nồi nhanh chóng bị ngả màu đen sạm, chùi rửa không trở lại vẻ sáng bóng như inox tốt. Thành phần inox 201 có chứa mangan khi thôi nhiễm vào thức ăn có thể gây bệnh cho cơ thể. Tương tự như vậy, các bộ nồi nhôm không được xử lý bề mặt theo đúng công nghệ, nhôm có thể bị thôi nhiễm vào thức ăn, gây nhiễm độc cơ thể, hại đến não, tim, gan và xương…
 
Giá tham khảo: (Inox loại 3 – 4 lớp đáy)
 
Bộ nồi hợp kim nhập từ châu Âu: 8 – 19 triệu đồng.
Bộ nồi inox nhập từ châu Âu: bình quân 5 – 7 triệu đồng.
Bộ nồi hợp kim nhập từ Hàn Quốc: 3,7 – 7 triệu đồng.
Bộ nồi inox nhập từ Hàn Quốc: 2,5 – 6,5 triệu đồng.
Bộ nồi hợp kim sản xuất tại Việt Nam: 2,5 – 4 triệu đồng.
Bộ nồi inox sản xuất tại Việt Nam: 850.000 đến 3 triệu đồng.

Theo SGTT