Dân hụt chi, doanh nghiệp lại ế dài
Bà Trần Thị Bình (phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Tôi chóng mặt, ù tai khi nghe nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá: điện tăng 5%, xăng tăng 4%, gas hơn 20%, nước sạch tăng 50%... trong khi gia đình sống chủ yếu dựa vào đồng lương nhà nước. Hai suất lương hưu của tôi và chồng thì vẫn ổn định. Nhưng thu nhập của hai con đều bị giảm do doanh thu của công ty giảm. Phải lo nhiều thế này chẳng khác nào cuộc sống đang đi thụt lùi”.
Bà Bình nhẩm tính: “Căn cứ vào mức tăng giá của điện, nước, gas, xăng thì chỉ riêng 4 khoản này nhà tôi mỗi tháng hụt chi thêm khoảng 200.000 đồng: điện tăng 5%, nhà tôi bình quân mỗi tháng sử dụng hết 600.000 tiền điện sẽ mất thêm 30.000 đồng; Xăng tăng 4%, trong khi tiền xăng cho 3 xe máy mỗi tháng bình quân hết 1.600.000 đồng, nay phát thêm 64.000 đồng; Gas tăng hơn 20%, với việc sử dụng hết 200.000 đồng/tháng tương đương với việc phát sinh thêm khoảng 40.000 đồng/tháng; nước tăng 50% sẽ khiến tiền nước sử dụng trong tháng từ 70.000 đồng lên 105.000 đồng, phát sinh thêm 35.000 đồng. Chưa kể việc tăng giá những mặt hàng này trước sau sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt các mặt hàng khác. Theo đó, sự hụt chi trong tháng sẽ lên đến cả triệu đồng”.
Không chỉ người dân gặp khó mà việc tăng giá nhiều mặt hàng cùng lúc cũng đang khiến doanh nghiệp chịu áp lực lớn. Ông Trần Thế Huynh, Giám đốc Công ty Sản xuất thực phẩm đông lạnh Hà Anh (Hà Nội) cho biết: “Công ty tôi cùng lúc chịu áp lực rất lớn từ điện, nước, gas và xăng tăng giá vì nó liên quan trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất của công ty. Hơn nữa, một số đơn vị đầu mối lại gửi thông báo tăng giá với lý do chịu áp lực giá từ những mặt hàng nói trên. Trong khi đó, hàng hóa sản xuất đang tiêu thụ khá chậm, hàng tồn kho nhiều, tăng giá thành tại thời điểm này đồng nghĩa với việc tự hại mình. Hiện tại, tôi còn chưa biết giải quyết thế nào cho ổn thỏa, chỉ biết méo mặt vì lo hàng sản xuất ra lại tiếp tục ế dài”.
Theo đại diện siêu thị tư nhân Innimart (Hà Nội): “Hiện siêu thị cũng đang đau đầu vì không ít nhà sản xuất gửi thông báo tăng giá. Do từ đầu năm đến nay họ đã chia khó hết mức có thể, các mặt hàng đồng loạt tăng giá hiện nay như giọt nước tràn ly, vượt ngoài sức chịu đựng. Trong khi sức mua vẫn quá thấp dù siêu thị đã nỗ lực kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu”.
Tăng giá bất hợp lý sức mua càng suy kiệt
Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng 4 mặt hàng thiết yếu liên tục tăng giá là điều bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh sức mua người dân suy kiệt, hàng tồn kho cao. Vì việc điều chỉnh tăng giá của 4 mặt hàng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng trong thời gian tới. Bởi, giá xăng dầu, điện chính là nguyên liệu đầu vào tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành. Đầu vào tăng thì đầu ra cũng phải điều chỉnh tương ứng.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong điều hành chính sách giá, đừng làm cho mọi việc khó hiểu, người dân rất muốn minh bạch, rõ ràng, đơn giản. Đáng ra, trong lúc giá xăng dầu thế giới lên cao, thay vì để doanh nghiệp trong nước tăng giá, Bộ Tài chính nên sử dụng quỹ bình ổn giá hay giảm thuế nhập khẩu. Đừng mỗi lần giá lên cao lại đưa người tiêu dùng ra gánh. Điều này không chỉ tăng gánh nặng cho người tiêu dùng mà còn làm khó cả doanh nghiệp.
Một chuyên gia kinh tế (xin được giấu tên) cho rằng, việc tăng giá này là hướng đi sai lầm cho nền kinh tế. Lỗi này do các nhà hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô thiếu tính ổn định làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn, còn người tiêu dùng thì mất niềm tin vào chính sách. Điều này khiến sức mua sẽ tiếp tục suy yếu, thậm chí suy kiệt. Vấn đề cần làm hiện nay là khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp chứ không phải chạy theo những con số vô hồn. Trước đó, Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng, giải cứu doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay là tập trung các nhóm giải pháp để giảm tồn kho, tuy nhiên trong hoàn cảnh nhiều mặt hàng tăng giá hiện nay thì việc thực hiện giải pháp này khó càng thêm khó.
Theo GIADINH.net